Acronyms là kiểu viết tắt bằng cách ghép chữ đầu của một cụm từ lại với nhau. Ví dụ như COPD là viết tắt của Chronic Obstructive Pulmonary Disease; OSA là viết tắt của Obstructive Sleep Apnea. Acronyms giúp tác giả viết ngắn gọn hơn.
Acronyms thường được giải nghĩa ở chỗ tác giả sử dụng chúng lần đầu tiên trong bài viết. Trong đoạn văn dưới đây, được trích từ cuốn Brenner and Rector’s The Kidney, tác giả giới thiệu ngay 3 acronyms được sử dụng: “A greater appreciation for the prevalence of chronic kidney disease (CKD) in the population has led to improvements in identification and diagnosis of CKDs and slowing down their progression to end-stage renal disease (ESRD). This chapter is divided into two sections, presentations of patients with kidney disease and methods of evaluation of acute kidney injury (AKI) and CKD.”
Acronym quen thì không nói làm gì. Nhưng giả như một acronym lạ hoắc không xuất hiện thường xuyên trong bài, chúng ta sẽ mau chóng quên acronym đi và tốn thời gian để truy nghĩa khi gặp lại. Việc đọc bị ngắt quãng, dòng tư tưởng bị cắt đứt, thế là đọc chậm như xe máy cày, khó chịu vô cùng.
Hay như bạn không thích đọc từ đầu đến cuối, mà thích nhảy vô ngay phần giữa gay cấn, thì có nguy cơ gặp acronym giữa chừng mà hổng biết nó là viết tắt của cụm từ nào.
Khó chịu ha?
Ngoài chuyện phải mang acronym theo trí nhớ tạm thời để đọc văn bản thiệt trơn tru, còn có 2 loại khó khăn khác đòi hỏi chúng ta phải khôn khéo khi đối phó với loại “từ vựng” này:
• Đôi khi acronym không phải là tiếng Anh. Nhiều lắm, từ những thứ rất kinh điển như TQ (temps de Quick – thời gian đông máu ngoại sinh), cho đến những thứ rất “tùy hứng” như “AML kết thúc TC1” (Bạch cầu cấp dòng tủy đã kết thúc hóa trị liệu tăng cường 1).
• Acronym có thể mang nhiều hàm nghĩa, tùy ngữ cảnh mà chọn nghĩa cho phù hợp. Ví dụ: Chúng ta thường quen với acronym MRI là cách viết tắt của Magnetic resonance imaging, nhưng trong một số ngữ cảnh khác, MRI có thể là Medical Research Institute hay Medical records information. Ai mà biết được. Linh hoạt chọn lựa tùy ngữ cảnh thôi.
Tất nhiên, mỗi chúng ta nên tìm, ghi chép sổ tay và học thuộc những từ viết tắt hay gặp trong chuyên khoa của mình để tăng tốc độ tiếp thu kiến thức. Như cách bạn vẫn thường học từ vựng mới vậy. Nhưng thế nào một ngày nào đó bạn cũng sẽ gặp một acronym mà bạn ngớ ra. Mới gặp lần đầu, lạ quá bây ơi.
Cho nên phải có vũ khí đấu lại loại “từ vựng” khó chịu này. Đây là vũ khí mình khuyên dùng, một công cụ tuyệt vời giúp mọi người tìm acronyms y học (dành riêng cho tiếng Anh): http://www.bioinformatics.org/textknowledge/acronym.php
Thấy acronym lạ, vô trang này gõ 1 phát, xong lựa nghĩa cho phù hợp. Vụ lựa nghĩa này cũng cần sự linh hoạt lắm nghe, tại sai một li là đi một dặm. Đọc và đoán acronyms cũng là cả một nghệ thuật đó. Ứ đùa đâu.